Ở thành thị hay những nơi có điều kiện về kinh tế - xã hội, mỗi học sinh mua được một bộ sách giáo khoa khi bước vào năm học mới là chuyện bình thường
NIỀM VUI CỦA SỰ SẺ CHIA
Ở thành thị hay những nơi có điều kiện về kinh tế - xã hội, mỗi học sinh mua được một bộ sách giáo khoa khi bước vào năm học mới là chuyện bình thường
Ở thành thị hay những nơi có điều kiện về kinh tế - xã hội, mỗi học sinh mua được một bộ sách giáo khoa khi bước vào năm học mới là chuyện bình thường, nhưng với các vùng nghèo, những gia đình còn thiếu trước, hụt sau… thì chuyện đó là khó khăn... chia sẽ với những khó khăn thiếu thốn đó, Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, thị trấn Đầm Dơi đã chọn đầu học kỳ 2, phát động phong trào vận động quyên góp sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua phát động, thầy trò của nhà trường đang từng ngày thi đua giữ gìn sách vở sạch, đẹp để giúp cho các bạn học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn có sách vỡ đến lớp như bao bạn trẻ khác.
Em Bùi Nhật Huy, Trường tiểu học Phan Ngọc Hiển bày tỏ: “Năm sau con lên lớp 6, sách bút con quyên góp mục đích cho các bạn lớp sau có hoàn cảnh khó khăn để được đến lớp thuận lợi hơn”.
Thầy Trần Minh Tiên, giáo viên Trường tiểu học Phan Ngọc Hiển chia sẽ: “Đó là trách nhiệm, bổn phận, bản thân nhận thấy và đóng góp một phần, kêu gọi phụ huynh giúp đỡ để các em vượt qua khó khăn đến trường với bạn. Đây là việc làm ý nghĩa của nhà trường, các em học sinh, bản thân thời gian tới làm tốt hơn nữa, để giúp đỡ nhiều hơn nữa những học sinh khó khăn”.

Thầy Trần Minh Tiên, giáo viên Trường tiểu học Phan Ngọc Hiển hướng dẫn học sinh bao sách, vở
Học kỳ 2 này, đồng loạt học sinh trường tiểu học Phan Ngọc Hiển, thị trấn Đầm Dơi bao tập vở lại. Những quyển sách giáo khoa quăng gốc được các em cẩn thận vuốt cho thẳng thớm, dụng cụ dư được giữ riêng lại. Từ ý thức giữ gìn dụng cụ, tập sách, học sinh để dành khi kết thúc năm học sẽ tặng lại cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn tại trường và ở các trường học trong huyện.
Trường tiểu học Phan Ngọc Hiển là điểm khởi đầu của chương trình ý nghĩa này trong ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi. Nếu như mọi năm thường phong trào phát động lúc kết thúc năm học cũ hay đầu năm học mới thì nay lại bắt đầu từ học lỳ 2. Lúc này học sinh vừa học, đồng thời, cũng tự giác ý thức giữ gìn sách vở sạch sẽ, cuối năm gửi lại cho trường. Đặc biệt trong buổi phát động, hội phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm đã đóng góp cho trưởng Phan Ngọc Hiển gần 100 bộ sách giáo khoa mới, 2000 quyển tập và nhiều dụng cụ, cặp xách cho năm học sau.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi, Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Ngọc Hiển cho biết thêm: “Nhà trường sẽ chung tay hỗ trợ giúp đỡ cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện được đến lớp. Nhà trường sẽ vận động nhiều hơn nữa nhằm giúp cho tất cả các em học sinh nghèo của nhà trường đều được đến trường”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi, Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Ngọc Hiển (bìa trái) nhận sự đóng góp cặp cho các em học sinh khó khăn
Em Huỳnh Như Quỳnh, trường tiểu học Phan Ngọc Hiển mong muốn: “Con mong các bạn học tốt với những bộ sách dù cũ nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm của học sinh lớp trước để dành lại cho các bạn học sinh lớp sau”.
Học sinh trường tiểu học Phan Ngọc Hiển đã hưởng ứng bằng cách tự giữ gìn sách vở, dụng cụ học tập. Món quà nhỏ ấy được gửi lại trường cho những năm học sau, giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn an tâm đến lớp.
Trường tiểu học Thành Vọng, xã Tân Trung là đơn vị thực hiện việc góp sách giáo khoa, dụng cụ học tập…; năm nay trường có 10 lớp, 283 học sinh để giúp tiết kiệm sách giáo khoa, trường đã vận động cho các em khối lớp 1, 2 sử dụng viết chì khi ghi trong sách…; từ đó, hàng năm trường đã vận động được từ 30 đến 40 bộ sách giáo khoa giúp đỡ cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Vọng, xã Tân Trung, Trần Hồng Nhung cho biết: “Nhà trường vận động các em học sinh sau khi học xong thì giữ gìn cẩn thận sách để hỗ trợ, chia sẽ cho các em học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn hơn, nên được các em học sinh hưởng ứng rất nhiệt tình”.
Hiện nay nhiều loại sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học có thêm phần câu hỏi, bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền vào đó. Như vậy, học sinh chỉ học sách một lần rồi cất hoặc bỏ đi.
Tuy nhiên, nhiều cuốn sách giáo khoa THCS, THPT không dùng phần bài tập nếu các em giữ gìn vẫn có thể dành để tặng các bạn có hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Liêu Thanh Hải cho biết: “Việc quyên góp sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho các em học sinh nghèo, là việc làm có ý nghĩa trong giáo dục ý thức, giữ gìn sách vỡ của các em học sinh. Việc này sẽ phát động sâu rộng hơn nữa trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện thời gian tới”.
“Bạn giúp bạn”, bài học về sự sẻ chia được học từ những phong trào nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đang được các trường học trên địa bàn huyện phát động. Và nếu được lan tỏa, chắc rằng nhiều học sinh nghèo tại Cà Mau sẽ không còn nỗi lo thiếu sách giáo khoa trong những năm học mới.
Việc các trường tiểu học trên địa bàn huyện đã chủ động trong việc giảng dạy cho học sinh sử dụng viết chì vào vở, sẽ góp phần nâng cao ý thức giữ những cuốn sách luôn sạch sẽ để quyên góp, trao tặng sách giáo khoa cũ cho các em học sinh nghèo việc làm như vậy cần được duy trì và thực hiện thời gian tới nhiều hơn nhằm tránh sự lãng phí vừa đem lại niềm vui cho học sinh nghèo trước năm học mới.
Thành Quốc